Đi dạy bất cứ lớp nào, Dung cũng bị học sinh huýt gió trêu chọc. Thỉnh thoảng, một nam sinh lại hét to: “Miss Dung, I love you” khiến đám đông cười ồ...
Em yêu… cô!
Linh đang thực tập tại trường cấp 2 P.T. Đây là một trường khá nổi tiếng không phải bởi thành tích học tập hay kỉ luật tốt mà chính bởi độ “gấu” của học trò trường này. Ngay từ những ngày đầu đến trường thực tập, Linh và các bạn giáo sinh cùng đoàn đã choáng vì những tiếng hú hét, huýt còi, thổi sáo của các nam học sinh cuối cấp dành cho mình. Thậm chí, một cậu nhóc còn hét to: “Áo đỏ chứng tỏ vợ anh” khiến đám đông quanh đó cười ré lên tán thưởng. Cô bạn mặc áo đỏ hôm ấy ngượng chín người vì xấu hổ.
Linh được phân dạy môn văn cho hai lớp 9 trong thời gian 3 tháng thực tập. Trẻ tuổi, tràn đầy nhiệt huyết nên cô đã thổi một làn gió sôi nổi, mới mẻ vào những giờ giảng văn trên lớp. Mới đứng lớp được gần một tháng mà Linh đã nhận được rất nhiều sự quý mến của học trò đặc biệt là một nam sinh trong lớp 9A3. Trong giờ, cậu học trò này đều chăm chú nghe giảng, thỉnh thoảng lại nở một nụ cười rất tươi với cô giáo. Linh có ấn tượng tốt đẹp về nam sinh này.
Mọi chuyện chỉ trở nên rắc rối khi sau tiết sinh hoạt hôm thứ 7, đợi cả lớp ra về cả, cậu học trò bối rối nhét vào tay cô một món quà được gói rất cầu kì và nói “Về nhà hãy mở, cô nhé”. Lấy làm lạ trước thái độ lúng túng của học trò nhưng Linh cũng đợi đến khi về đến nhà mới mở gói quà. Đó là một tập thơ của ông hoàng thơ tình Xuân Diệu với lời đề tặng là hai câu thơ Puskin được cải biên: “Em yêu cô đến nay chừng có thể/Ngọn lửa tình chưa hẳn đã tàn phai”.
Quá bất ngờ, Linh đã không biết phải làm gì với cậu học trò này những lần gặp sau đó. Còn chưa có người yêu và quá thiếu kinh nghiệm trong những tình huống như thế này nên Linh cảm thấy sợ khi phải đối mặt với cậu học trò bạo gan đó. Cô giáo tương lai cho biết bây giờ điều khủng khiếp nhất của mình là phải đến dạy lớp 9A3 và nhìn thấy gương mặt ngây thơ như thiên thần đó.
Nhân có buổi họp lớp cấp 3, tôi đem chuyện này chia sẻ với những người bạn cũ đang là giáo viên. Không ngờ, bạn tôi cho biết: đó không phải là trường hợp hy hữu. Nhiều cô giáo trẻ và đặc biệt là các nữ thực tập sinh đã từng rơi vào hoàn cảnh đó. Người đồng nghiệp tên Dung của bạn tôi thậm chí còn bị học trò “khủng bố tình cảm”.
Lúc mới ra trường, Dung công tác trong một trường cấp 3 của thành phố. Đây là một lớp có nhiều học sinh cá biệt. Mới học lớp 10 nhưng các thành viên trong lớp hầu như đã có đôi, có cặp hết. Trong giờ, các “cặp đôi” cứ rù rì trò chuyện và làm việc riêng mặc kệ trên bảng cô giáo nói gì.
Một lần, đang trong giờ Tiếng Anh, phía cuối lớp có những tiếng cười nổi lên, tiếng xôn xao khiến cô giáo Dung không thể nào giữ được trật tự lớp. Tiến đến bàn một cậu học trò là tâm điểm sự chú ý của đám đông, cô hỏi: “Đang trong giờ học mà sao các em lại gây ồn ào thế này?”. Những tiếng cười lại nổi lên nhiều hơn. Một học sinh vừa cười vừa giơ quyển vở lên cho cô giáo xem: “Cô ơi, cô xem thằng A nó viết cái gì này!”. Quyển vở trắng tinh có một dòng chữ mực tím to: “Miss Dung, I love You” (Cô Dung ơi, em yêu cô). Đưa mắt về phía chủ nhân cuốn vở, cô giáo trẻ càng choáng váng hơn khi nhận được một nụ cười hồn nhiên như… thú nhận.
Không khí như hỗn loạn, những tiếng reo hò cổ vũ nổi lên ầm ầm khiến ban giám hiệu đang họp cũng phải đến xem có chuyện gì. Cô giáo bị hội đồng nhà trường phê bình vì đã không giữ được trật tự trong lớp làm ảnh hưởng đến chất lượng giờ học. Cậu nam sinh cũng nhận quyết định cảnh cáo trước toàn trường.
Tệ hại hơn nữa là sau đó, đi dạy bất cứ lớp nào, Dung cũng bị học sinh huýt gió trêu chọc. Thỉnh thoảng, một nam sinh lại hét to: “Miss Dung, I love you” khiến đám đông cười ồ. Cô giáo không thể kiểm soát được tình hình trật tự lớp.
Mới 22 tuổi, vừa bước ra khỏi ghế giảng đường, Dung đã bị sốc nặng. Nhiều lúc cô đã có cảm giác không thể tiếp tục công việc giảng dạy được nữa. Chưa đầy nửa năm sau khi nhận công tác, Dung phải chuyển trường. Tuy vậy, chuyện cũ cũng khiến nữ giáo viên trẻ bị ám ảnh khá lâu. Cô đã không còn tự tin được như trước khi đứng trên bục giảng đối diện với những khuôn mặt ngây thơ, trong sáng của học trò.
Có phải quan hệ thầy - trò đã bị biến đổi ?
Thời còn cắp sách đến trường, thầy cô giáo trong mắt lũ học trò chúng tôi là những biểu tượng của sự hoàn hảo, là hình tượng để tất cả phấn đấu noi theo. Thế nhưng, thời thế thay đổi, quan hệ thầy trò cũng ít nhiều đổi thay trong cơn lốc của nền kinh tế thị trường. Đâu đó, trên các phương tiện truyền thông đại chúng lại xuất hiện thông tin về những người làm thầy mà có thể “gạ tình lấy điểm”, rồi bán điểm, chạy trường…
Tuy chỉ là con sâu bỏ rầu nồi canh nhưng hình ảnh người giáo viên nhân dân ít nhiều cũng bị giảm sút uy tín trong mắt một số người. Ngay bản thân nhiều phụ huynh, học trò, cậy mình có tiền cũng chẳng coi thầy cô, nhà trường ra gì. Đây là điều hết sức báo động đối với một dân tộc có truyền thống “tôn sư trọng đạo” như người Việt ta.
Hiện tượng nam sinh “yêu” cô giáo có thể đươc lý giải từ nhiều bình diện. Có thể, những học sinh này xuất phát từ lòng yêu kính cô giáo mà nhầm lẫn tình cảm của mình. Cũng có thể, những cậu học trò này phát triển về tâm sinh lý sớm nên dù tuổi nhỏ nhưng đã có những hành động, tình cảm không phù hợp với lứa tuổi của mình.
Khi teen đã "tự kỉ" rằng mình yêu cô giáo, làm sao có thể tập trung học đây? (Hình minh họa)
Dù ở bình diện nào, chúng ta cũng có thể nhận thấy là quan hệ thầy trò đã có nhiều thay đổi trong thời đại mới. Khoảng cách thầy – trò không còn quá xa như trước nên quan hệ giữa họ cũng trở nên gần gũi hơn, dân chủ và bình đẳng hơn. Đây là những dấu hiệu rất tích cực thể hiện nước ta đã có những bước tiến trong phương pháp giáo dục hiện đại. Đồng thời với những tín hiệu tích cực đó chính là tình trạng quan hệ thầy – trò đang bị bình đẳng một cách thái quá dẫn đến sự xuồng xã hóa.
Tán tỉnh thầy cô giáo, coi thường thầy cô, gọi thầy cô bằng “ông nọ bà kia”… chính là những biểu hiện của sự xuống cấp trong đạo đức của một số học trò hiện nay. Chính gia đình, nhà trường phải là những người đầu tiên chấn chỉnh những lệch lạc này nếu không sẽ thực sự nguy hiểm khi những con người sẽ nắm giữ tương lai đất nước lại không biết đến câu “uống nước nhớ nguồn”.