Chỉ với vài phần mềm miễn phí, một chiếc tuốc-nơ-vít và một ít kiên nhẫn, bạn hoàn toàn có thể bổ sung những tính năng mới và sức mạnh mới vào máy tính cá nhân, điện thoại di động, máy ảnh số và nhiều thiết bị khác.
ÉP XUNG BỘ XỬ LÝ
Độ khó: Trung bình. Thời gian thực hiện: Từ 10 phút trở lên.
Với chút nỗ lực, bạn có thể tăng tốc độ hoạt động của máy tính lên 10%, thậm chí cao hơn. Hầu hết bộ xử lý (BXL) đều xuất xưởng với tốc độ xung nhịp được thiết lập thấp hơn mức tối đa có thể hỗ trợ và các hãng sản xuất thường cung cấp giải pháp để người dùng có thể tự tay tăng tốc độ của BXL. Thực tế cho thấy, ép xung không phải là công việc quá nguy hiểm đối với máy tính hay quá khó thực hiện, tuy nhiên nếu quyết định thực hiện, bạn phải chấp nhận mất hiệu lực bảo hành của BXL.
Hình 1: Trong BIOS , điều chỉnh giá trị CPU Clock Ratio và CPU Multiplier để "ép xung" BXL.
Nếu máy tính đang sử dụng hỗ trợ ép xung, bạn có thể "bơm" tốc độ hệ thống lên một mức cao hơn chỉ sau vài phút thực hiện. Tuy nhiên, để đạt được hiệu năng và sự ổn định tốt nhất, bạn nên thực hiện vài lần với những thông số (thiết lập) khác nhau.
Trước tiên, hãy bắt đầu bằng việc thu thập thông tin. Bạn cần xác định loại bo mạch chủ đang sử dụng, tải về tài liệu hướng dẫn và tiến hành cập nhật phiên bản mới nhất cho BIOS. Các hãng sản xuất BMC thường cung cấp tiện ích ép xung có thể chạy trong môi trường Windows, tuy nhiên nếu bạn chọn giải pháp này thì tiện ích ép xung cần được kích hoạt cùng lúc với quá trình Windows khởi động. Một lựa chọn khác, bạn có thể điều chỉnh trực tiếp những thông số trong BIOS, mọi thay đổi sẽ được lưu lại cho đến khi bạn thiết lập lại các thông số.
Kế đến, bạn xác định cách thức để truy xuất BIOS và chuyển những thiết lập của máy tính về giá trị mặc định (reset) nếu việc nâng cấp gây ra tình trạng không ổn định (những dấu hiệu thường thấy là ứng dụng không hoạt động hay hệ thống bị treo cứng). Thông thường, bạn vào mục thiết lập BIOS bằng cách nhấn phím hay khi hệ thống khởi động. Tuy nhiên, để chuyển những thiết lập về giá trị mặc định có thể bạn phải thực hiện bằng tay việc thay đổi công tắc dạng cầu nối (jumper) hay nhấn nút dành riêng trên BMC. Bạn phải hết sức lưu ý, phải tìm ra những "cửa thoát hiểm" này trước khi ép xung, nếu không, bạn có thể khóa vĩnh viễn máy tính vì không biết được cácv h nào để truy cập lại BIOS (nhấn mạnh).
Ngoài ra, bạn nên tìm hiểu thêm thông tin về BXL đang sử dụng từ mạng Internet - bạn sẽ tìm thấy tên phiên bản của BXL được liệt kê trong BIOS - và ghi nhận giới hạn nhiệt độ của BXL này. Việc ép xung thành công đòi hỏi bạn phải cân đối được hiệu năng và nhiệt lượng tỏa ra, nếu BXL quá nóng thì máy tính có thể "ngã ngựa". Hãy kiểm tra thông số nhiệt độ trong BIOS khi bạn đang thực hiện.
Thỉnh thoảng, có một số BIOS có thể ép xung động BXL nhờ chế độ thông minh (AI) và nếu máy tính của bạn có tùy chọn này thì bạn chỉ cần "cứ thế mà dùng". Nhưng trong hầu hết trường hợp, bạn phải tinh chỉnh tốc độ BXL bằng cách thay đổi thông số của bus hệ thống (FSB). Trong BIOS, bạn tăng giá trị FSB lên từng mức 5MHz hay 10MHz, lưu lại những thay đổi và sau đó khởi động lại hệ thống.
Nếu máy tính không thể khởi động Windows, bạn cần quay lại mục thiết lập BIOS và điều chỉnh FSB về giá trị trước đó. Nếu máy tính khởi động thành công, bạn khởi động lại máy và lại tiếp tục tăng dần giá trị cho FSB. Sau khi bạn thực hiện vài lần tăng giá trị FSB, hãy chạy tiện ích Prime95 (find.pcworld.com/61412) trong vòng nửa tiếng đồng hồ để kiểm tra BXL. Nếu hệ thống duy trì sự ổn định, bạn hãy tiếp tục tăng dần giá trị FSB.
Nếu bạn nhận thấy hệ thống hoạt động không ổn định - thậm chí có khi còn treo máy - hay BXL quá nóng, hãy giảm tốc độ cho đến khi tìm được thiết lập mang lại sự ổn định cho hệ thống. Ngoài ra, bạn cũng có thể nâng cấp bộ tản nhiệt của BXL vì hiệu quả của nó sẽ cho phép bạn tăng thêm giá trị FSB lên chút ít.