Tập 2
Sau khi dẹp được đám dân làng chửi rủa Lão Hạc, Phèo ta rất khoái chí. Chưa bao giờ hắn thấy rõ được uy quyền của mình như thế này. Giữa lúc hắn đang giương giương tự đắc thì ái thiếp Thị Nở tâu lên:
"Bẩm quan lớn, quan lớn biết tại sao đám dân đen có thể làm loạn không?"
"Ơ, con này hỏi kỳ... Thế tại sao nào?"
"Bẩm, tại chúng biết nói."
"Ơ, người thì phải biết nói chứ."
"Dạ bẩm, tại chúng biết nói nên chúng mới liên hệ với nhau được. Tại chúng biết nói nên chúng mới chửi anh Hạc được. Tại..."
"Thôi...", Phèo đập bàn quát lớn. Đây chính là điều Phèo hiểu rõ nhất. Ngày xưa nếu bị câm thì hắn đã không thể tru tréo trước cổng nhà Bá Kiến mỗi ngày được rồi. Phèo hiểu rõ rằng chính trò chửi bới liên hồi đó đã khiến lão Kiến hết chịu nổi mới dẫn đến trận thư hùng trước nhà Chị Dậu năm nào. Kết cục là Chí Phèo đả bại Bá Kiến để điều hành làng Vũ Đại. Nếu Phèo không biết nói, không thể chửi rủa thì hắn đã không có ngày hôm nay. Quả thực tiếng nói là một thứ vũ khí nguy hiểm.
"Hay!", Phèo thét lên khiến Thị Nở giật nảy mình. "Giỏi, ngươi đúng là ái thiếp của ta. Ngươi đúng là con đàn bà tóc dài mà đầu cũng dài hiếm hoi trên thế gian này. Ngươi chẳng những biết nấu cháo hành mà còn biết trò chơi quyền lực".
Thị Nở bẽn lẽn: "Hổng dám đâu." Đoạn ả nói tiếp: "Thế quan lớn sẽ làm gì nào?"
"Ngươi không phải dạy khôn ta. Ta tự có cách."
Ngay ngày hôm sau, Chí Phèo ra bố cáo bắt dân làng Vũ Đại không được nói, phải câm hoàn toàn. Ai vi phạm sẽ bị cắt lưỡi. Chỉ có Phèo và đám cận thần mới có đặc quyền nói.
Kể từ giờ phút đó làng Vũ Đại im ắng như bãi tha ma. Từ đầu đến cuối làng, người ta gặp nhau chỉ gật gật vài cái coi như "chào xã giao". Lũ trẻ con có lỡ khóc ré lên thì bố mẹ chúng vội vàng dùng tay bịt miệng, lấy giẻ nhét vào hoặc, áp dụng công nghệ hóa màu, dùng băng keo dán miệng. Cũng có vài trường hợp bức bối quá chịu không nổi, ho khan vài tiếng, thế là bị đám thuộc hạ của Phèo cắt lưỡi ngay lập tức.
Tình hình trên kéo dài được một thời gian thì cậu Nam Cao ở cuối làng nghĩ ra một chiêu mới để lách luật: đánh rắm. Số là Chí Phèo chỉ ra lệnh cấm nói chuyện nên việc đánh rắm không bị coi là phạm pháp. Thế là dân Vũ Đại chuyển qua đánh rắm thay cho nói. Người ta quy ước đánh một phát có nghĩa là "hello", đánh hai phát là "good bye", ba phát là than vãn, bốn phát là chửi thề. Vân vân và vân vân.
Phong trào đánh rắm phát triển đến mức nhiều người luyện được các chiêu thức thượng thừa. Người ta chẳng những có thể đánh các câu đơn giản như "chào bác", "chào cô" mà còn có thể đánh "tôi ghét lão Phèo", "lão Phèo thật độc ác". Có người đánh một lúc được vài trăm phát là chuyện thường, y như bắn súng liên thanh vậy. Lũ trẻ con mới mở mắt cũng học đánh rắm. Tình hình đánh rắm tại làng Vũ Đại phải nói là "trăm hoa đua nở", đủ thứ âm thanh, mùi vị, thậm chí màu sắc nữa.
Chuyện này làm cho Phèo và đám thuộc hạ đau đầu nhức óc. Cấm đánh rắm chăng? Phèo phân vân không biết xử trí thế nào. Giữa lúc đó Thị Nở xuất hiện. Thị Nở lâu nay luôn hiện ra đúng lúc và mang theo nhiều phương án cứu rỗi đời Phèo, thuở cơ hàn thì bát cháo hành hoặc cái bánh bèo nhão nhoẹt của thị, còn lúc Phèo có quyền lực thì Nở tư vấn các giải pháp quản lý xã hội vĩ mô.
"Phải cấm dân làng đánh rắm thôi", Phèo phán.
"Ấy chết, cấm nói thì được, cấm đánh rắm thì không. Không nói người ta vẫn có thể sống, còn không đánh rắm thì chỉ có nước vỡ bụng mà chết", Nở phân tích. Thị còn nói với Phèo rằng nếu cấm dân đánh rắm thì làng Vũ Đại sẽ bị các làng bên, trừ làng Lão Hạc, phê phán là gia trưởng, độc tài. Lỡ có ai đó vỡ bụng chết vì ứ hơi thì Phèo sẽ bị phê phán là vi phạm nhân quyền. Thế nên tuyệt đối không được cấm đánh rắm.
"Thế phải làm thế nào?", Phèo hỏi.
"Phải siết chặt quản lý hoạt động đánh rắm", Nở thì thào vào tai Phèo. Sau đó Nở còn nói nhiều thứ nữa, nhưng chỉ cho một mình Phèo nghe thôi.
Ngay ngày hôm sau, Phèo ra bố cáo cho toàn dân làng Vũ Đại: Phàm là người thì ai cũng phải đánh rắm. Đó là quyền lợi thiêng liêng nhất. Làng không cấm. Nhưng do có nhiều kẻ lợi dụng việc đánh rắm để phá hoại trị an nên từ nay làng sẽ siết chặt quản lý hoạt động đánh rắm. Tất cả mọi người chỉ được đánh rắm ở mức độ vừa phải và rắm phải thơm. Ai đánh rắm to, thối sẽ bị phạt nặng. Ai vi phạm nhiều lần sẽ bị trát lỗ đít, khỏi đánh rắm luôn.
Để đảm bảo tính nghiêm minh của luật pháp, Phèo thành lập một nhóm đặc nhiệm với thành viên là các bợm nhậu biết điều từng vào sinh ra tử với hắn ở tất cả quán xá trong làng. Ngày ngày đám này đi khắp làng dỏng tai lên nghe xem có ai đánh rắm lớn, lâu lâu lại khịt khịt mũi xem kẻ nào đánh rắm thối để đem ra trừng trị.
Kể từ đó hoạt động đánh rắm ở làng Vũ Đại đi vào khuôn phép thấy rõ. Các cao thủ đánh rắm trong làng không còn đất dụng võ. Bí quyết đánh rắm từng chuỗi dài như bắn súng máy ngày càng mai một, đi dần đến chỗ thất truyền.
Tập 3.
Cai quản cái làng Vũ Đại xem ra không đơn giản tí nào. Ngồi trên chiếc ghế quyền lực được một thời gian, Chí Phèo nghiệm ra điều đó. Nhất là thi thoảng các làn sóng chống Phèo lại nổi lên, lúc thì ở đầu làng, lúc khác ở cuối làng. Chiếc ghế của Phèo lung lay thấy rõ. Để bảo vệ quyền lợi, Phèo ta liền tăng cường bộ máy quản lý. Phàm là anh em họ hàng nhà Phèo, phàm là bạn bè thân hữu của Phèo đều có một chân trong đó. Sức mạnh của Phèo vì thế được củng cố bội phần.
Ấy thế nhưng cái đám mà Phèo cất nhắc lên đều là một lũ dốt đặc. Mà ông trời oái ăm, phàm kẻ nào dốt thì kẻ đó tham thậm. Thế là chẳng bao lâu, trong bộ máy lãnh đạo của Phèo, cảnh ăn chia, đục khoét, nhũng nhiễu, tranh giành diễn ra ngày càng mãnh liệt. Tình hình trên kéo dài được một thời gian thì đám dân đen chịu hết nổi, bèn hùa nhau chửi bới om sòm. Giữa lúc tình hình quá sức cấp bách, Phèo ta triệu ái thiếp Thị Nở vào.
"Thưa, quan lớn cho gọi thiếp ạ!"
"Hừm, mấy hôm nay long thể ta bất an."
"Ai mà dám quấy rối quan lớn thế? Thưa, có phải do cái đám dân đen làm loạn không ạ?"
"Không sai. Ta đang tính đến chuyện bắt nhốt hết đám dân ba trợn ở cái làng Vũ Đại này lại", Phèo nghiến răng.
"Ấy chết, ai lại làm thế. Thời buổi văn minh này mà làm thế thì thiên hạ chửi cho. Ngay cả Lão Hạc cũng chưa dám mạnh tay thế, huống hồ...", Nở hấp tấp can ngăn.
"Thế phải làm sao? Ta mệt mỏi với cái trò chơi quyền lực này quá rồi. Làm thằng lưu manh suốt ngày rượu thịt chó và chửi rủa chắc khỏe hơn", Phèo cằn nhằn.
"Ấy, quan lớn chớ vội nản. Làm thằng lưu manh thì đâu có cung tần mĩ nữ, đâu có sơn hào hải vị, đâu có tiền hô hậu ủng như thế này được chứ. Vẫn còn cách dẹp lũ dân đen mà..."
"Cách gì? Nói nghe coi".
"Phải bắt vài đứa ạ?"
"Bắt? Chẳng phải ngươi nói là đừng có bắt người sao!"
"Bắt ở đây là bắt người nhà mình ấy. Phải thí vài con chốt thì đám dân đen mới hết nổi loạn. Sau một thời gian tình hình êm thấm rồi thì thả ra", Nở thủ thỉ.
"Hay!", Phèo đứng dậy, đập bàn quát lớn. "Ta đúng là không nhìn lầm ngươi. Từ thuở còn nằm ở cái lò gạch và ăn cháo hành cầm hơi, ta đã thấy được ngươi có tài thao lược. Hừm, nhưng bắt ai bây giờ?"
"Dạ, cứ bắt một vài đứa thân cận với quan lớn. Như vậy bọn dân đen nó sẽ dễ tin rằng quan lớn công minh.".
Ngày hôm sau, Phèo thực thi ngay kế sách của Nở. Hắn cho đám lính lệ gông cổ hai tên tay chân là Lý Toét và Xã Xệ nhốt vào đại lao. Sự chống đối trong dân chúng theo đó vơi bớt đôi phần. Uy tín của Phèo ngay lập tức trỗi dậy như củ cà rốt trong quần hắn khi thấy Thị Nở tắm dưới sông bên cái lò gạch cũ thuở nào. Một số tay làm nghề đánh trống gõ mõ vốn gần đây nảy sinh tâm lý chán ghét trò nhũng nhiễu trong bộ máy chính quyền cũng nhân dịp này đua nhau vạch mặt Lý Toét và Xã Xệ. Nào là chuyện tiệc tùng gái gú; nào là chuyện nhà lầu xe hơi; nào là chuyện cờ gian bạc lận; nào là chuyện lừa dưới dối trên của Lý Toét, Xã Xệ đều được công bố cho toàn dân làng Vũ Đại biết. Phen này hai gã Toét Xệ chắc chết đến nơi, chả còn đường nào sống được.
Bẵng đi một thời gian, khi dân làng hầu như đã quên mất chuyện cũ, đùng một cái Phèo cho tay chân dán bố cáo khắp làng. Bố cáo ghi rằng sự thật là Lý Toét chẳng phạm tội gì. Việc bắt giữ trước kia là nhầm lẫn, cũng một phần do chính quyền bị sức ép của dư luận. Xã Xệ thì cũng có một vài tội trạng nhưng không đáng kể, tạm thời ở lại trong tù.
Vào một ngày đầu hạ, khi gã mặt trời hiếu chiến vừa hắt ánh nắng chói chang xuống làng Vũ Đại, người ta thấy Lý Toét bước ra từ khám lớn. Miệng hắn cười tươi như hoa vẫy chào đám dân chúng đang há hốc mồm đứng nhìn, nhưng ẩn sâu trong mắt hắn là một tia hằn học. Vừa bước ra khỏi cánh cổng sắt, hắn đe: "Mọi ân oán phải được thanh toán sòng phẳng".
Khi Lý Toét vừa được trả tự do, người ta thấy một loạt tay làm nghề đánh trống gõ mõ trước kia từng chửi bới cặp bài trùng Toét - Xệ mặt xanh như đít nhái. Dân làng Vũ Đại vốn rất lanh trí, biết ngay chuyện gì sẽ xảy ra. Ngay ngày hôm sau, Phèo cho lính lệ đi bắt đám đánh trống gõ mõ này nhốt vào đại lao. Tội của họ được viết rõ trên tờ bố cáo rằng: vu khống Lý Toét nhằm phá hoại uy tín của lãnh đạo làng Vũ Đại.
Một đêm trăng thanh gió mát, trong hậu cung ở đình làng vốn được xây trên nền lò gạch cũ năm xưa, Nở áp má lên đùi Phèo thủ thỉ: "Trò chơi quyền lực tuy nhọc trí nhưng quan lớn đừng nản. Thuở cơ hàn, quan lớn sắp chết đói mới có được bát cháo hành cầm hơi. Giờ quan lớn dù phải lao tâm khổ tứ nhưng rượu thịt đầy nhà, muốn ái ân với thiếp cũng không cần phải thậm thụt nơi bụi chuối bờ ao nữa."
Trong khi cơn say tình ái còn ngây ngất, Phèo rì rầm: "Ta vẫn không hiểu sao ngươi lại cho bắt đám đánh trống gõ mõ kia. Làm thế chẳng phải là đánh động dư luận thêm sao?"
"Phải bắt chứ quan lớn. Phải răn đe để mấy cái mầm nổi loạn không còn dám ngóc đầu dậy. Vả lại cho thằng Toét ra thì phải có mấy thằng chịu tội thay nó chứ. Thằng Toét mà vô tội thì những thằng tố cáo nó phải có tội. Tính nghiêm minh của pháp luật là ở chỗ đó", Nở cười rúc rích, đoạn cắn nhè nhẹ vào bắp đùi Phèo.
Phèo hét lên, tiếng hét man dại đẫm mùi hoan lạc. Đã từ lâu sống trong nhung lụa nhưng Phèo và Nở vẫn giữ kiểu ái ân cắn xé cấu véo như loài thú. Trò ái ân hoang dã này vốn đã theo họ từ thuở cơ hàn nơi lò gạch cũ.